Các câu hỏi thường gặp về sơn (P1)

Bạn đang đau đầu vì sơn tường nhà bạn bị bong tróc?

1. Sơn trang trí chỉ sơn 1 lớp có được không?

Không được, vì sơn 1 lớp sẽ không đảm bảo độ phủ, màng sơn kém và màu sẽ loang lổ. Để đảm bảo sự đồng màu của màng sơn, ta nên sơn 2 đến 3 lớp sơn.

2. Có nên dùng sản phẩm cùng hệ thống không?

Nên sử dụng sản phẩm cùng hệ thống để đạt hiệu quả tối ưu nhất vì mỗi hãng sản xuất đếu có những điều khác biệt với nhau. Trong cùng một hệ thống sơn thì mỗi lớp sơn đều có tác dụng bổ trợ lẫn nhau.

3. Tại sao phải dùng sơn lót chống (kháng) kiềm?

Sơn lót chống kiềm là lớp rất quan trọng, có các tác dụng sau:
– Tạo độ bám dính cho bề mặt sử dụng và lớp sơn phủ.
– Bảo vệ lớp sơn phủ không bị các phản ứng hóa học xảy ra từ bên trong như kiềm, thấm, ăn mòn, tránh cho lớp sơn phủ không bị hiện tượng biến đổi màu do kiềm hóa, bị ố vàng, bong tróc hay bị gỉ sét… Như vậy, lớp sơn lót làm tăng độ bền cho lớp sơn phủ.

4. Tại sao phải xử lý bề mặt trước khi tiến hành sơn?

Vì xử lý bề mặt càng tốt thì kết quả thu được (chất luợng màng sơn, tuổi thọ màng, giá thành đầu tư) sẽ tốt hơn. Do đó bất cứ việc thi công sơn như thế nào, dù lớn hay nhỏ, mới hay cũ, trong hay ngoài, nền gạch hay kim loại cũng phải bắt đầu bằng việc xử lý bề mặt.
Mỗi thao tác đúng đều làm tăng khả năng bảo vệ bề mặt thi công. Nếu xử lý không đúng sẽ làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng sản phẩm.
Các giai đoạn trong xử lý bề mặt:
– Loại bỏ tạp chất trên bề mặt: lớp sơn cũ, dầu mỡ hay bụi bẩn ……..
– Sửa chữa các khuyết tật bề mặt: trám trét các lỗ, tạo bề mặt bằng phẳng.
– Lau sạch và khô.

5. Sơn nội thất và ngoại thất khác nhau như thế nào?

Sơn nội thất được sử dụng cho bên trong nhà, loại sơn này ít có khả năng chống rêu mốc, không chịu tác động của môi trường, không có chất chống tia cực tím và chất chống thấm.

Sơn ngoài trời chịu được tia cực tím, có chống thấm, chịu được mưa nắng, không bị rêu mốc, màu bền với ánh sáng mặt trời.

Nếu dùng sơn nội thất sơn bên ngoài sẽ xảy ra các hiện tượng như:
– Màng sơn bị phấn hóa.
– Màng sơn bị rêu mốc.
– Màng sơn bị phai màu.

Vì vậy loại sơn trong nhà tuyệt đối không được sơn bên ngoài nhà.

6. Sự khác nhau giữa các loại sơn mịn, bóng (bóng mờ), siêu bóng là gì?

– Sơn mịn thường không có khả năng chống bẩn, không chùi rửa được.
– Sơn bóng (bóng mờ) dễ làm sạch và thích hợp cho các chi tiết nghệ thuật cao.

– Sơn siêu bóng có độ sáng và chùi rửa được nhiều lần, vì thế thích hợp cho các công trình có mục đích sử dụng cao. Nên sơn loại này trong nhà bếp, phòng tắm và cửa để đạt lợi ích cao nhất.

7. Tại sao không nên thi công sơn khi trời mưa hoặc trời quá nắng?

Không nên thi công sơn khi trời mưa vì trời mưa làm nhiệt độ không khí giảm, độ ẩm cao. Làm ảnh hưởng đến thời gian khô của sản phẩm. Không những thế, trời mưa còn gây hiện tượng bị ngấm tường, nếu ta cứ thi công sau ngày dễ xảy ra hiện tượng bong tróc. Trong trường hợp trời mưa mà tường không bị thấm, độ ẩm bề mặt bột đạt để thi công thì có thể tiến hành lăn sơn bên trong.
Lưu ý: Ngay cả khi nhiệt độ xuống thấp không nên thi công sơn vì màng sơn dễ bị đốm, nổi hạt, lâu khô, đổ mồ hôi.
Không nên thi công khi trời quá nắng vì sau khi thi công sơn cần ở dạng lỏng 1 thời gian để thấm vào bề mặt vật chất và bám dính lên bề mặt. Khi sơn ở nhiệt độ cao sẽ làm cho dung môi bay hơi nhanh dẫn đến hiện tượng màng sơn dễ bong tróc do độ bám giảm, màng sơn dễ rạn, nhăn nứt do biến đổi đột ngột về trạng thái.

8. Sau khi thi công thì bao lâu sẽ hết mùi sơn?

Sau khi thi công, trong phòng thường còn mùi sơn. Khi sơn xong nên mở toàn bộ các cửa để tạo không không khí thoáng trong phòng, tạo điều kiện cho mùi nhanh chóng bay hết.
Thông thường sơn nước sau khoảng 2-3 ngày thì mùi bay hết.

9. Xác định diện tích sơn trong nhà?

Diện tích sơn trong nhà = (Diện tích mặt sàn x Số tầng) x hệ số sơn trong nhà.

Trong đó: Hệ số sơn trong nhà dao động từ 3 đến 4.5.

-Đối với nhà ít cửa, nhiều tường ngăn – Hệ số từ 4.2 – 4.5

-Đối với nhà cửa trung bình, ít tường ngăn – Hệ số từ 3.8 – 4.0

-Đối với nhà cấp 4 có trần, ít cửa – Hệ số từ 3.2 – 3.5

-Đối với nhà cấp 4 không có trần – Hệ số từ 3.0 – 3.2

* Chú ý: Hệ số trên chỉ mang tính chất tương đối và theo cách tính tổng diện tích, nếu bóc tách ra từng phòng thì không còn chính xác nữa.

10. Xác định diện tích sơn ngoài nhà

Diện tích sơn ngoài nhà = diện tích mặt ngoài nhà x hệ số sơn ngoài nhà.

Trong đó: Hệ số sơn ngoài nhà dao động từ 1.2 đến 1.8

11. Bề mặt tường bị nứt có thể lăn sơn đè lên vết nứt không?

Nếu chỉ bị nứt nhỏ thì có thể lăn trực tiếp lên được. Nếu bị nứt nhiều và rộng cần phải xử lý bề mặt rồi mới được sơn lên.

12. Pha nhiều nước thì có ảnh hưởng đến chất lượng của sơn nước hay không?

Khi pha loãng nước nhiều hơn yêu cầu cho phép của nhà sản xuất thì chất màng sơn sẽ yếu đi do đó dễ bị phấn hóa, rêu mốc, khi thi công cũng sẽ khó hơn vì bị chảy do bị loãng.

13. Màu sơn thực tế có giống như trên bảng màu không? Màu sơn có thể bị phai theo thời gian không?

Màu trên bảng màu với màu thực tế có sự chênh lệch vì màu trên bảng màu phụ thuộc vào kỹ thuật in.
Thông thường màu sơn trên thực tế sẽ có màu đậm hơn trên bảng màu do trên diện tích rộng. Ngoài ra màu sắc trông sáng hơn hay đậm hơn còn tùy thuộc vào loại màu, không gian và ánh sáng. Dưới tác động của môi trường, màu sắc có thể bị phai dần. Chất lượng hay độ bền màu phụ thuộc vào chất lượng của sản phẩm, điều kiện bề mặt, điều kiện thi công và điều kiện môi trường.

14. Các màu sơn có khác nhau về giá thành không? Có thể đặt màu sơn theo ý muốn không?

Màu sơn phụ thuộc vào loại màu sử dụng và cường độ đậm nhạt. Vì thế sẽ có sự chênh lệch về giá thành giữa màu thường và màu đặc biệt.
Chỉ cần có màu sơn thì hoàn toàn có thể đặt màu theo yêu cầu.

15. Thời gian lưu trữ của sơn phụ thuộc vào các yếu tố nào? Cách bảo quản như thế nào?

Thời gian lưu trữ của sơn phụ thuộc vào chất lượng của sơn chứa trong thùng và điều kiện môi trường bảo quản.
Cách bảo quản như sau:
– Để thùng sơn ở vị trí thẳng đứng. Nắp thùng sơn phải đậy kín.
– Tồn trữ nơi thoáng mát. Tránh nơi có nhiệt độ cao.

 

 

 

 

 

 

TOTA Paint: